Hành Trình Xuất Khẩu Ống Hút Tre Từ số 0 Của Anh Nông Dân Phú Thọ
Từ ống hút tre bị chê xấu xí
Huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) có diện tích trên 200ha trồng tre, trúc, tập trung ở các xã Đồng Lương, Yên Dưỡng, Hương Lung, Văn Bán… Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng.
Nhận thấy nhu cầu thị trường từ các mặt hàng làm từ tre, trúc tăng cao, anh Nguyễn Đức Vương (SN 1986, ở khu Đồn Điền, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) quyết định làm ăn lớn.
Ống Hút Tre – Sản Phẩm Thân Thiện Môi Trường Từ Làng Quê Việt Nam
Theo anh Vương, cây tre, trúc rất đỗi thân thuộc, dễ kiếm, dễ mua ở làng quê, nhất là các tỉnh phía Bắc. Đây là nguồn tài nguyên quý để làm ra những sản phẩm mang tính đặc trưng địa phương, mới mẻ, độc đáo, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng từ thị trường nội địa đến thị trường thế giới.
“Ưu điểm của sản phẩm từ tre, trúc là thân thiện môi trường, có giá trị sử dụng cao, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, giá rẻ. Tuy nhiên, để phát triển nguồn tài nguyên bản địa này hiệu quả, yếu tố tiên quyết là đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất chuyên nghiệp, hiện đại, chi phí đầu tư ban đầu tốn kém” – anh Vương nói.
Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với gia đình, lên kế hoạch sản xuất kinh doanh tỉ mỉ, năm 2018, anh Vương vay vốn, mở xưởng, nhập dây chuyền máy móc, thiết bị (máy luộc, máy sấy lạnh…) để chế biến tre, trúc theo hướng công nghiệp. Sản phẩm sản xuất chủ yếu ban đầu là ống hút tre.
Khởi Đầu Khó Khăn Với Ống Hút Tre
“Tuy nhiên, những sản phẩm đầu tiên làm ra không được như kỳ vọng. Khách hàng chê ống hút tre thô kệch, xấu xí. Cơ sở hoạt động cầm chừng vì không phát sinh đơn hàng, dẫn đến chưa có tiền để trả lương nhân công. Bên cạnh đó, áp lực tiền vay nợ đầu tư dựng xưởng, mua máy móc, tiền nhập nguyên liệu cho cơ sở chế biến cũng phải đi vay tiếp, khó khăn chồng chất. Xưởng sản xuất đứng trước nguy cơ đóng cửa. Lúc này, tôi có suy nghĩ muốn bỏ cuộc” – anh Vương kể lại hành trình những ngày đầu khởi nghiệp.
Dứt lời, anh Vương dẫn chúng tôi đi tham quan khu xưởng sản xuất. Nhìn người lao động đang hối hả xử lý, chế biến những cây tre, trúc, anh Vương bảo, quê hương có sẵn tài nguyên, người lao động cần cù, chăm chỉ, cẩn thận. Nếu không khai thác, sản xuất được ra sản phẩm để bán thì quả thực rất lãng phí.
“Thế là sau mẻ ống hút tre bị khách chê, tôi tất bật suốt ngày, đi hết nơi này đến nơi kia vừa học tập, trau dồi cách vận hành dây chuyền sản xuất, vừa tìm bạn hàng mới” – anh Vương kể.
Quyết Tâm Vượt Qua Thử Thách Để Thành Công
Quyết tâm duy trì bằng được xưởng sản xuất, năm 2019, anh Vương thành lập HTX tre trúc VNS Phú Thọ với 7 thành viên, huy động được nguồn vốn 160 triệu đồng. Kể từ đây, anh Vương có thêm nguồn vốn để phát triển và có những cộng sự chung lý tưởng, cùng tìm tòi, bàn bạc, thiết kế, đánh giá, nghiệm thu, bán sản phẩm. Cùng thời điểm này, anh Vương cũng thở phào nhẹ nhõm khi nhận được những mối hàng mới, dù có đơn chỉ vài triệu đồng làm ống hút tre.
“Các thành viên trong HTX vui như bắt được vàng. Bao công sức cố gắng đã bắt đầu được hái trái ngọt. Sản phẩm khi xuất xưởng được bạn hàng khen chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Cứ thế, sản phẩm làm từ tre, trúc của HTX được nhiều người biết đến và liên tiếp thêm những mối hàng lớn” – anh Vương kể.
Đến xuất bán sản phẩm từ tre, trúc sang Hàn Quốc, Ấn Độ
Bên cạnh bán hàng truyền thống, tham gia các cuộc trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm ở địa phương, các tỉnh lân cận; HTX tre trúc VNS Phú Thọ còn lập trang web, đăng ký bán hàng qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá, bán những sản phẩm từ tre, trúc ra thị trường.
Từ năm 2022 đến nay, HTX được tỉnh Phú Thọ công nhận nhóm sản phẩm (dao, thìa, dĩa, ống hút tre) đạt OCOP 4 sao và nhóm sản phẩm (khay, ấm, chén, cốc, hộp trà tre) đạt OCOP 3 sao. Các sản phẩm này được đẩy mạnh quảng bá, bán hàng từ Bắc vào Nam và xuất khẩu đi các nước Hàn Quốc, Ấn Độ…
Sau gần 5 năm hoạt động, đến nay, đơn hàng của HTX khá thường xuyên và ổn định. Từ một cơ sở sản xuất theo đơn đặt hàng với 7 nhân công, đến nay đã có đội ngũ cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên, công nhân lên hơn 20 người với tay nghề kỹ thuật cao.
Mỗi tháng, HTX của anh Vương thu mua khoảng 1 vạn cây tre, trúc nguyên liệu ở huyện Cẩm Khê và khắp các tỉnh Sơn La, Cao Bằng… để phục vụ hoạt động sản xuất. Các sản phẩm từ tre, trúc ngày càng tinh tế, từ vật dụng hằng ngày như đũa tre, ống hút tre, thìa tre, bình giữ nhiệt ốp vỏ tre, hộp bút, bút viết vỏ tre, đến sản phẩm tinh xảo, cầu kỳ từ tre, trúc như nhà homestay, trường kỷ tre, bàn ghế tre, bộ ấm chén tre…
Trung bình, doanh thu của HTX tre trúc VNS Phú Thọ đạt 2-3 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí cho thu lãi gần 400 triệu đồng. HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương với thu nhập từ 5-15 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Công Chính, Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cẩm Khê nhấn mạnh, HTX tre trúc VNS Phú Thọ là điển hình tại địa phương trong việc chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, khai thác tài nguyên bản địa là cây tre, trúc để làm ra những sản phẩm mới, có giá trị kinh tế cao.
Trong thời gian tới, huyện Cẩm Khê sẽ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, cũng như nâng cao năng lực quản lý, điều hành chương trình OCOP và hoạt động xúc tiến xuất khẩu để đưa ngày càng nhiều sản phẩm OCOP của HTX tre trúc VNS Phú Thọ nói riêng và huyện Cẩm Khê nói chung chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
Nguồn: Báo Dân Việt
Dẫn: Bien19.biz
Để lại bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.