Thanh tra toàn diện khâu in ấn, biên soạn, xét duyệt… sách giáo khoa

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng ý với đề xuất của Đoàn giám sát, song không chỉ thanh tra khâu in ấn mà cả khâu biên soạn, thẩm định, xét duyệt, lựa chọn, phát hành sách giáo khoa (SGK); nghiên cứu giảm giá SGK…

Chiều 14/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm

Báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban Văn Hoá – Giáo dục, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Đắc Vinh trình bày cho biết, hệ thống SGK, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ đáp ứng nhu cầu dạy và học. Nội dung SGK bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Việc biên soạn SGK đã huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ, uy tín, kinh nghiệm tham gia biên soạn. Đã có có 6 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành SGK môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp; 6 tổ chức biên soạn SGK. Từ năm 2020 đến năm 2022, đã có 381 đầu SGK mới được xuất bản; 194 triệu bản SGK mới được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) phát hành.

img 9526 Thanh tra toàn diện khâu in ấn, biên soạn, xét duyệt… sách giáo khoa
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Đoàn giám sát chỉ ra nhiều bất cập trong việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định SGK. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) không tổ chức biên soạn được một bộ SGK theo quy định của Nghị quyết số 88, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, phát triển chương trình, nội dung giáo dục phổ thông; quản lý, điều tiết giá SGK; thực hiện chính sách xã hội với học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo.

Việc thực nghiệm SGK chưa được coi trọng đúng mức, tổ chức trong thời gian ngắn, chưa bảo đảm yêu cầu về quy mô và chất lượng. Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa SGK chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở một số cuốn SGK, nhất là đối với SGK Tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11.

Giá SGK tăng gấp 2-4 lần

Cung ứng, phát hành SGK còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước thềm năm học mới; việc mua SGK ngoài thị trường gặp khó khăn. Tình trạng in sách lậu, phát hành SGK giả diễn ra phức tạp. SGK mới phát hành chậm, giáo viên có ít thời gian nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. Tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xảy ra sai phạm trong in ấn, xuất bản SGK; một số tổ chức, cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

img 9530 Thanh tra toàn diện khâu in ấn, biên soạn, xét duyệt… sách giáo khoa
Toàn cảnh phiên họp.

Quy định về lựa chọn SGK tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương; tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh. Thời gian lựa chọn ngắn, số bản mẫu SGK nhiều (nhất là ở cấp tiểu học), giáo viên gặp khó khăn trong nghiên cứu, đề xuất lựa chọn. Việc phê duyệt kết quả lựa chọn SGK của nhiều tỉnh chậm, ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng SGK.

“Giá bộ SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng gấp 2-4 lần giá bộ SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Số đầu SGK tăng. Tình trạng bán SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách. Chi phí phát hành SGK cao, chưa hợp lý đối với loại hình sách phát hành số lượng lớn, người học bắt buộc phải mua”, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục nhấn mạnh.

Theo đó, mức chi phí phát hành (chiết khấu) tối đa đối với SGK phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%; năm học 2022-2023, đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%…

Việc Bộ GD&ĐT phải biên soạn SGK đã ghi rõ trong nghị quyết

Tại phiên họp, liên quan việc biên soạn SGK, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chương trình là duy nhất, thống nhất; học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ SGK – tức một bộ học liệu của Nhà nước?

“Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ SGK nào. Vậy Quốc hội có cần phải thông qua việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?”, Bộ trưởng lý giải và đề nghị Đoàn giám sát cân nhắc đề xuất nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ SGK của Nhà nước.

img 9529 Thanh tra toàn diện khâu in ấn, biên soạn, xét duyệt… sách giáo khoa
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Nghị quyết 88 ghi rõ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông; Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn 1 bộ SGK, được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn. “Như vậy, việc này đã được ghi trong nghị quyết của Quốc hội chứ không phải muốn có hay không như báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT”, ông nói.

“Việc cần phải làm ngay là nhất thiết có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn, phát hành và chúng ta giảm giá SGK phù hợp với thu nhập của người dân. Đối với những người khó khăn, “cho chữ” là cái lâu bền nhất”, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu quan điểm, đồng tình với những kiến nghị của Đoàn giám sát và đề nghị cần tuyên truyền để tạo đồng thuận cao trong xã hội.

img 9528 1 Thanh tra toàn diện khâu in ấn, biên soạn, xét duyệt… sách giáo khoa
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên họp.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định vai trò quan trọng của SGK và đây không chỉ là học liệu, bởi vì chương trình thiết kế mục tiêu, định hướng cơ bản, nhưng SGK triển khai nội dung. “Không thể nói SGK không quan trọng, người dạy có dạy gì thì dạy được. Đương nhiên SGK tốt đến mấy cũng không thể thay thế người dạy, nhưng từ SGK mới ra bài giảng. Bộ SGK quy định nội dung, thể chế cốt lõi nhất của chương trình chứ không đơn thuần là một loại học liệu”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội cũng phân tích rõ tinh thần của Nghị quyết số 88 là Bộ GD&ĐT phải tổ chức biên soạn một bộ SGK đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn SGK, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một SGK. Đồng thời, đồng ý với nhận định của Đoàn giám sát, Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK bằng ngân sách Nhà nước, còn hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hoá SGK là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước.

img 9527 Thanh tra toàn diện khâu in ấn, biên soạn, xét duyệt… sách giáo khoa
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Về đề nghị của Đoàn giám sát đề xuất UBTVQH xem xét, chuyển cơ quan chức năng thanh tra toàn diện việc xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu không chỉ khâu in ấn mà cả khâu biên soạn, thẩm định, xét duyệt, lựa chọn, phát hành SGK. Thanh tra khâu sử dụng chi phí chiết khấu SGK, đề nghị sớm ban hành phương pháp định giá tối đa SGK, bảo đảm tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm chi phí trung gian, nghiên cứu giảm tỷ lệ chiết khấu đến mức hợp lý để giảm giá SGK theo quy định của Luật giá (sửa đổi)…

Nguồn: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/thanh-tra-toan-dien-khau-in-an-bien-soan-xet-duyet-sach-giao-khoa-i703722/

Để lại bình luận