Xử trí, sơ cứu khi bị rắn cắn đúng cách giúp 3 người bệnh đạt hiệu quả điều trị

Hiện nay, tỉ lệ người dân bị rắn cắn đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt do sơ cứu khi bị rắn cắn không đúng cách hoặc theo kinh nghiệm dân gian dẫn đến việc nhiều bệnh nhân có thể bị hoại tử tay chân, hôn mê, nhiễm trùng huyết, thậm chí bị tử vong do không được khám và điều trị kịp thời. Vì vậy, hiểu biết về các xử trí, sơ cứu khi bị rắn cắn đúng cách là điều vô cùng cần thiết.

1. Trường hợp bị Rắn hổ cắn

Ông N.V.Q (Ba Vì – Hà Nội) bị rắn lục cắn tại nhà riêng. Ông đã sơ cứu trước khi đến trạm y tế gần nhà và được giới thiệu đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để được xử trí, cấp cứu kịp thời.

Theo lời kể lại, khoảng 19h tối, trong lúc lấy chìa khóa trong hốc tủ thì ông Q bị một con vật cắn. Sau khi định hình lại và dùng đèn pin truy vết thì ông nhận biết được rắn hổ mang ẩn nấp trong nhà mình.

Khi đến Khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh Phú Thọ, vị trí rắn cắn tại mu bàn tay đã sưng nề, khó cử động, bệnh nhân cảm thấy đau buốt. Các bác sĩ đã thăm khám, chỉ định thực hiện xét nghiệm đông máu tại giường và đưa ra chẩn đoán “Rắn hổ mang cắn giờ thứ 2”.

Vị trí vết rắn hổ cắn
Vị trí vết rắn hổ cắn

Bệnh nhân đã được điều trị theo phác đồ, sử dụng 15 lọ huyết thanh kháng nọc độc rắn hổ. Sau 02 ngày điều trị, bệnh nhân đã đỡ đau buốt, bàn tay cử động bình thường, sưng nề giảm và có thể ra viện sau 5 – 7 ngày theo dõi ổn định.

2. Trường hợp bị Rắn lục cắn

Hai bé gái sinh đôi N.T.T.T và N.T.T.L (9 tuổi, trú tại Tam Nông – Phú Thọ) bị rắn hổ cắn trong lúc chơi đùa tại sân nhà. Sau khi cha mẹ phát hiện đã bắt giữ lại con rắn đồng thời liên hệ tới trung tâm y tế gần nhất. Hai bé đã được giới thiệu tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để được cấp cứu và sử dụng thuốc đặc trị.

Qua thăm khám, 2 bé vẫn tỉnh táo tuy nhiên xuất hiện đau nhức ngón tay và sưng nề bàn tay phải (nơi bị rắn cắn). Cùng với vật chứng được gia đình cung cấp, các bác sĩ đã đưa ra chẩn đoán: “Rắn lục cắn giờ thứ 3″

Vị trí vết rắn lục cắn
Vị trí vết rắn lục cắn

Sau khi giải thích với gia đình, hai bé được bất động chi cắn, kê cao vùng tay, vệ sinh vết cắn và được chỉ định dùng “huyết thanh kháng nọc rắn lục”. Trong đó bé N.T.T.T bị cắn trước, tình trạng sưng đau nhiều nên phải sử dụng tới 08 lọ huyết thanh, còn bé N.T.T.L bị cắn sau nên sử dụng 02 lọ.

Sức khỏe của hai bé có dấu hiệu cải thiện tốt và dần ổn định. Sau 01 ngày theo dõi điều trị, hai bé đã có thể xuất viện và trở về gia đình.

Hai bé gái bị rắn cắn đã có thể ra viện sau thời gian ngắn điều trị
Hai bé gái bị rắn cắn đã có thể ra viện sau thời gian ngắn điều trị

3. Nhận biết một số loại rắn thường gặp

3.1. Họ rắn hổ

Rắn hổ mang:

– Rắn hổ mang thường: (rắn hổ đất, hổ mang bành,..) có cổ bạnh, phát ra âm thanh đặc trưng khi đe doạ hoặc tấn công, có thể sống ở vùng rừng núi, trung du, đồng bằng, thậm chí gần khu dân cư.

– Rắn hổ mang chúa: cổ cũng bạnh nhưng không bạnh rộng, có hai vảy lớn ở đỉnh đầu, sống ở vùng rừng núi, trung du, đồng bằng, hoặc được nuôi.

Rắn cạp nong, cạp nia: khoang đen – trắng rõ (rắn cạp nia), khoang đen – vàng (rắn cạp nong), thường ở vùng trung du, đồng bằng, khu vực gần nước.

3369

Diễn biến nhiễm độc:

– Tại vị trí vết cắn: đau, sưng nề, có thể có hoại tử đen (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ). Vết rắn cắn do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không có gì đặc biệt.

– Toàn thân: đau nhiều, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim,…có thể tử vong (do liệt các cơ gây khó thở) hoặc tàn phế.

3.2. Họ rắn lục

Đặc điểm chung là: mắt có con ngươi hình elíp dựng đứng, đầu thường hình tam giác.

– Rắn lục xanh: thân màu xanh lá cây, thường ở vùng rừng núi.

– Rắn khô mộc: thân màu nâu hoặc giống như màu cành cây khô, thường ở vùng rừng núi.

333

Diễn biến nhiễm độc: Sưng nề, phỏng nước, chảy máu vùng vết cắn, chảy máu toàn thân khó cầm…có thể dẫn đến tử vong do chảy máu, mất máu.

4. Cách xử trí, sơ cứu khi bị rắn cắn

“Cần sơ cứu khi bị rắn cắn đồng thời vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện sớm nhất có thể”

Các bước sơ cứu khi bị rắn cắn
– Người bệnh cần bình tĩnh, được trấn an

– Hạn chế sự di chuyển của người bệnh, nếu di chuyển cần có hỗ trợ

– Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp hoặc (vì nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn nếu tăng vận động)

– Băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang,…), không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm

– Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,…) cố định chân, tay bị cắn

– Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).

– Làm sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước muối sinh lý

– Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..). Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến

– Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến bệnh viện đồng thời duy trì băng ép, bất động, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.…

Làm sạch vết thương và dùng dây sơ cứu khi bị rắn cắn
Làm sạch vết thương và dùng dây sơ cứu khi bị rắn cắn

Lưu ý: Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu.

Điều trị rắn cắn hữu hiệu nhất là huyết thanh kháng nọc rắn. Thời điểm sử dụng tốt nhất là 6h đầu. Nếu trễ sau 24 – 48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.

Vì vậy, sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân cần được xử trí và cấp cứu kịp thời để hạn chế tình trạng bị hoại tử tay chân, rối loạn đông máu, nhiễm trùng máu, thậm chí bị tử vong.

Theo TS. BS. Hà Thị Bích Vân – Trưởng Khoa Cấp Cứu:

“Từ cuối năm 2021, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã triển khai điều trị rắn độc cắn bằng huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang và rắn lục.

Đến nay, hơn 100 trường hợp bị rắn cắn trên địa bàn đã được điều trị kịp thời mà không cần phải chuyển lên tuyến trên”

Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân khi bị rắn cắn cần đến ngay bệnh viện gần nhất để sơ cứu, cấp cứu. Nếu ở địa bàn Phú Thọ hoặc các tỉnh lân cận, hãy liên hệ ngay Khoa Cấp Cứu – BVĐK tỉnh Phú Thọ theo số điện thoại 0210 6254 117 để được tư vấn xử trí và sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn một cách hiệu quả nhất.

Nguồn: https://benhviendakhoatinhphutho.vn/so-cuu-khi-bi-ran-can/

Để lại bình luận